Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Bóng đá Thái mơ World Cup, bóng đá Việt mơ... “ao làng”

Trong khi bóng đá Thái Lan đặt mục tiêu dự World Cup và có vẻ họ đã tiệm cận giấc mơ ấy, thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ vùng vẫy với giấc mơ cỏn con... đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

1. Khi các CĐV Thái Lan giăng biểu ngữ với dòng chữ “World Cup isn’t Dream” (tạm dịch: World Cup không phải là giấc mơ) trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 13.10 để cổ vũ cho các cầu thủ của họ đang thi đấu với đội tuyển Việt Nam dưới sân, không biết có quan chức nào của VFF cảm thấy “chột dạ” hay không? Sau chiến thắng 3-0 trước Việt Nam, Thái Lan đang tiến rất gần đến vòng đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, tức là việc đoạt vé dự World Cup không còn là giấc mơ mà có thể trở thành hiện thực.
bóng dá thái mo world cup, bóng dá viẹt mo... “ao làng” hinh anh 1
World Cup không phải là giấc mơ với người Thái, còn chúng ta? Ảnh: T.L.
Điều trớ trêu đó là tham dự World Cup 2018 từng là mục tiêu của bóng đá Việt Nam, được đưa vào nghị quyết của VFF khóa 4 ở thời điểm mà V.League vừa ra đời. Đó là lần đầu tiên người ta thấy VFF có một mục đích cụ thể, một tầm nhìn xa 15-20 năm mang tính chiến lược mặc dù không mấy ai tin vào điều đó. Và đúng như vậy, với những gì đang có hiện nay, ngay cả việc có mặt trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á vẫn còn rất khó khăn với bóng đá Việt Nam mà thất bại trước Thái Lan tại Mỹ Đình đã nói lên tất cả.
2. Thái Lan bắt đầu thực hiện giấc mơ World Cup của họ chỉ cách đây có 7 năm, kể từ sau cái ngày bị Việt Nam đánh bại để đăng quang AFF Cup 2008. Họ biến nỗi đau thành hành động nhưng thay vì vội vã tập trung lực lượng để giành lại ngôi số 1 Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan xới tung toàn bộ làng cầu, cải tổ toàn diện hệ thống thi đấu nội địa khi áp dụng mô hình giải Ngoại hạng Anh cho giải vô địch quốc gia của mình.
Họ liên tục thất bại ở những kỳ SEA Games, AFF Cup sau đó nhưng không hề có một lời than vãn, chỉ trích lẫn nhau. Chỉ 5 năm sau, bóng đá Thái Lan đã trở lại một cách ngoạn mục, thâu tóm toàn bộ các danh hiệu khu vực. Đội tuyển nữ giành vé dự World Cup, đội tuyển Futsal thì đã ở đẳng cấp thế giới, đội U23 vào VCK châu Á và bây giờ, đội tuyển quốc gia cũng đã đến rất gần mục tiêu World Cup trong khi giải Thai-League đã vươn tầm trở thành một trong những giải vô địch hàng đầu châu Á.
Còn Việt Nam, trong chiến lược phát triển bóng đá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 thì đến năm 2030 mới tính đến việc lọt vào tốp 10 châu Á. Phải nói rằng, đó là một mục tiêu không quá tầm nhưng để làm được thì cần phải có những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ. Cũng theo chiến lược đó, muốn vào tốp 10 châu Á thì phải đứng đầu khu vực từ nay đến năm 2020 tuy nhiên ai cũng thấy, chúng ta vẫn chưa có một động thái mang tính sẵn sàng nào cả. Và như vậy, đừng nói đến World Cup, chỉ là mục tiêu châu lục thôi cũng vẫn là giấc mộng không thể thành hiện thực.
3. Cải tổ nền bóng đá là yêu cầu bắt buộc, là cơ sở duy nhất nếu muốn bóng đá Việt phát triển. Từ chỗ có khoảng cách rất gần, có sự tương đồng với Thái Lan, giờ đây bóng đá Việt Nam như một bãi chiến trường, chỗ nào cũng bị hư hỏng nặng nề, mất căn bản trầm trọng. Đào tạo trẻ tốt thì không có đầu ra cho tài năng, các CLB chuyên nghiệp đầu tư cho nhiều cũng chẳng có nguồn thu để duy trì, đội tuyển quốc gia tập trung dài hạn mấy tháng trời mỗi năm cũng không nâng nổi chất lượng khi mục tiêu vẫn loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á. Muốn thoát ra khỏi những tư duy lạc hậu, tầm nhìn ngắn hạn ấy thì phải có những người làm bóng đá thực sự đủ Tâm, đủ Tầm chứ không chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều chiếc ghế để ngồi tại VFF.

Beckenbauer: 'Đức không hối lộ để được đăng cai World Cup 2006'

Huyền thoại Franz Beckenbauer bác bỏ cáo buộc rằng Ban tổ chức World Cup 2006 do ông đứng đầu chi 7,6 triệu đôla cho FIFA để mua phiếu ủng hộ.
Hôm thứ sáu 16/10, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), sau một cuộc điều tra nội bộ, đã công khai khoản tiền 7,6 triệu đôla mà Ban tổ chức World Cup 2006 từng chi trả cho FIFA hồi tháng 4/2005. Nhưng DFB khẳng định số tiền đó không liên quan tới việc quốc gia này được trao quyền đăng cai World Cup 2006, bởi họ đã chiến thắng Nam Phi trong cuộc bỏ phiếu tại trụ sở của FIFA từ tháng 7/2000. DFB thậm chí còn cho biết muốn thu hồi khoản tiền đã hỗ trợ cho chương trình phát triển văn hóa của FIFA, nhưng bị FIFA chi sai mục đích.
Tuy nhiên, Der Spiegel, tuần báo nổi tiếng của Đức, lại có bài viết với tiêu đề "Bê bối World Cup: Đức dường như đã chi tiền mua quyền làm chủ nhà World Cup 2006". Bài viết còn có đoạn: "Những thông tin mà Spiegelthu thập được cho thấy Ủy ban vận động của Đức dường như đã lập một quỹ đen trong nỗ lực giành quyền tổ chức World Cup 2006. Các quan chức cao cấp, trong đó có người hùng bóng đá quốc gia Franz Beckenbauer, được tin rằng cũng biết về quỹ tiền thiếu minh bạch đó". Spiegel lặp lại nhiều lần các từ kiểu như “dường như”, “có thể” trong bài viết về nghi án bóng đá Đức đã hối lộ để được tổ chức World Cup 2006.
beckenbauer-duc-khong-hoi-lo-de-duoc-dang-cai-world-cup-2006
Giành quyền đăng cai và tổ chức thành công World Cup 2006 là đỉnh cao trong sự nghiệp chính khách bóng đá của Beckenbauer. Ảnh: DPA.
Nhưng khi trả lời hãng tin AFP hôm chủ nhật 18/10, Franz Beckenbauer đã phủ nhận mọi cáo buộc.
“Tôi đã không chuyển tiền cho bất cứ ai để mua phiếu bầu ủng hộ trao quyền tổ chức World Cup 2006 cho Đức", Beckenbauer, chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup 2006, tuyên bố.
Hoàng đế bóng đá Đức còn khẳng định: “Và tôi cũng chắc chắn rằng không thành viên nào khác của ủy ban vận động đăng cai World Cup của Đức đã chi tiền mua phiếu bầu”.
Trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 7/2000, Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006 nhờ hơn Nam Phi chỉ một phiếu ủng hộ ở vòng quyết định (12-11), khi đại biểu Charles Dempsey của LĐBĐ New Zealand bỏ phiếu trắng. Nam Phi sau đó được trao quyền tổ chức World Cup 2010.
Đây là lần đầu tiên Beckenbauer, người dẫn đầu ban vận động của Đức và sau đó là chủ tịch ủy ban tổ chức World Cup 2006, đáp lại những cáo buộc nhắm vào chiến dịch giành quyền đăng cai vòng chung kết Cup bóng đá thế giới cách đây chín năm.
Trước đó, hôm thứ bảy 17/10, Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB), ông Wolfgang Niersbach, cũng mạnh mẽ phủ nhận mọi cáo buộc về hối lộ hay quỹ đen trong quá trình vận động trao quyền tổ chức World Cup 2006.
Tạp chí Spiegel tố cáo DFB đã vay gần 8 triệu đôla hồi năm 2000 từ cựu Giám đốc điều hành Adidas, ông Robert Louis-Dreyfus, người đã qua đời. Và các quan chức bóng đá Đức đã dùng số tiền đó để hối lộ, mua phiếu bầu của bốn thành viên châu Á trong Ủy ban Điều hành gồm 24 người của FIFA. Theo Spiegel, DFB sau đó đã chuyển 7,6 triệu đôla vào một tài khoản ngân hàng của FIFA hồi năm 2005 để hoàn trả số tiền đã vay của Louis-Dreyfus khoảng năm năm trước đó.
Nhưng Chủ tịch DFB khẳng định: “Không có quỹ đen nào cả. World Cup 2006 không phải được mua bằng tiền. Tôi khẳng định khoản thanh toán 7,6 triệu đôla cho FIFA hồi năm 2005 không liên quan gì tới quyền tổ chức World Cup 2006. Cuộc điều tra nội bộ của DFB về các hoạt động tài chính chưa kết thúc, nhưng tôi khẳng định loại trừ khoản tiền đó khỏi nghi án tiêu cực".
beckenbauer-duc-khong-hoi-lo-de-duoc-dang-cai-world-cup-2006-1
Niersbach cũng mạnh mẽ phủ nhận yếu tố tiêu cực trong việc DFB do ông đứng đầu chuyển tiền cho FIFA trước World Cup 2006. Ảnh: AFP.
Những người chịu trách nhiệm cao nhất trong chiến dịch Đức tổ chức World Cup 2006 đều phủ nhận nghi án dùng tiền mua phiếu bầu của một số đại biểu, ủy viên Ban điều hành FIFA. Nhưng truyền thông thế giới vẫn có lý do để nghi ngờ về khoản tiền 7,6 triệu đôla mà các nhà tổ chức World Cup 2006 chi trả cho FIFA, sau hàng loạt bê bối tham nhũng bị phanh phui gần đây có liên quan tới các quan chức hoặc cựu quan chức FIFA.
Thứ ba 20/10, Ủy ban Điều hành FIFA có cuộc họp khẩn cấp tại Zurich, Thụy  Sĩ. Hôm 8/10, Ủy ban Đạo đức hoạt động độc lập của FIFA đã quyết định đình chỉ công tác 90 ngày đối với cả Chủ tịch sắp từ nhiệm Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini, vì khoản chi trả 2 triệu đôla đang bị điều tra.
Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng bị đình chỉ công tác trong 90 ngày. Ông này đang bị điều tra tội hưởng lợi bất chính từ việc tiếp tay cho hoạt động bán vé World Cup ra chợ đen.
Tỷ phú người Hàn Quốc Chung Mong-joon, cựu phó chủ tịch FIFA, cũng bị Ủy ban Đạo đức FIFA cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá trong sáu năm. Ông này tố cáo lại rằng quyết định đó của FIFA là một trò bẩn để ngăn ông tham gia tranh cử chức chủ tịch  FIFA vào tháng 2/2016.
Cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner, một thành viên khác của Ủy ban Điều hành FIFA hồi năm 2010, bị cấm hoạt động bóng đá suốt đời. Quan chức này vẫn đang bị FBI điều tra.
FIFA sẽ tiến hành Đại hội bất thường vào ngày 26/2/2016 để bỏ phiếu bầu chủ tịch mới.
Sau chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI, gần đây tới lượt Bộ Tư pháp Thụy Sĩ mở rộng điều tra quá trình vận động và trao quyền đăng cai một số kỳ World Cup. Giới chức Thụy Sĩ mới đây thậm chí còn thông báo đã phát hiện 53 trường hợp nghi vấn rửa tiền trong nghi án hối lộ trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar, trong số đó đã có 14 người bị giới chức Mỹ và Thụy Sĩ bắt giữ.